Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Nha Trang: Khám phá khu du lịch Con Sẻ Tre

Nha Trang: Khám phá khu du lịch Con Sẻ Tre

Vị trí: Khu du lịch Con Sẻ Tre nằm trải dài ở phía nam đảo Hòn Tre thuộc vịnh Nha Trang, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đối diện và cách bờ biển Nha Trang 3km.
Ðặc điểm: Từ một hòn đảo đá, Con Sẻ Tre được xây dựng thành một khu du lịch thơ mộng tại Nha Trang. Bạn có thể đi thuyền trong vòng 15 phút sẽ có mặt tại Con Sẻ Tre. 
Du lịch Nha Trang - Khu du lịch Con Sẻ Tre 
Khu du lich Con Se Tre, Nha Trang
Ðặt chân lên đảo, du khách sẽ bắt gặp những mặt người ngộ nghĩnh được vẽ trên đá như đang hân hoan chào đón bạn. Nét độc đáo ở đây là toàn bộ hệ thống nhà cửa, nhà hàng, nhà vườn, cầu, bàn ghế, giường, cột điện... đều làm bằng tre.
Ấn tượng của bạn khi đến đây là mọi vật dụng đều đơn giản, sạch và lạ. Một cặp bánh xe bò lớn, cổ xưa được tìm kiếm và mua về từ Tây Ninh, Châu Ðốc gợi cho bạn cảm giác về sự mộc mạc, gần gũi của làng quê xưa nơi đây. Bãi tắm đẹp và an toàn, nước trong xanh nhìn rõ tận đáy làm cho bạn thèm tắm. Cát mịn và sỏi đều tăm tắp bao quanh đảo thuận tiện cho bạn đi dạo.
Du lịch Nha Trang - Khu du lịch Con Sẻ Tre
Ảnh: cong ty du lich
Con Sẻ Tre tựa lưng vào đồi với rừng cây xanh tươi tốt cùng hoa lá đủ mầu. Thấp thoáng trong rừng cây xanh là những nhà nghỉ khép kín xinh xắn và thơ mộng. Bạn sẽ cảm nhận được sự hào phóng của gió biển nguyên chất, nước biển xanh nồng nàn, tiếng sóng vỗ dịu êm làm cho tâm hồn bạn thư thái và khoan khoái. Bạn thỏa sức hít căng lồng ngực không khí trong lành, tinh khiết nơi đây và quên đi bao âu lo, căng thẳng đời thường.
Con Sẻ Tre rất phù hợp với việc nghỉ ngơi thư giãn, tắm biển, lặn biển, câu cá, cưỡi hon-đa nước, leo núi...
Du lịch Nha Trang - Khu du lịch Con Sẻ Tre
Ảnh: cong ty du lich
Nét đặc trưng của Con Sẻ Tre là lò nướng dân gian lộ thiên theo kiểu La Mã. Lò nướng hình tròn, khá lớn được xây thành hai tầng. Sáu ụ gạch cao chừng 4 mét của lò nướng được thắp sáng như 6 ngọn đuốc thiêng. Chủ nhân của khu du lịch cho biết: 5 ngọn tượng trưng cho 5 châu, còn ngọn thứ 6 tượng trưng cho người và đảo này.
Du lịch Nha Trang - Khu du lịch Con Sẻ Tre
Những hải sản tươi rói được xếp lên lò gạch nướng lộ thiên như tôm hùm xiên que nướng, mực nướng sả ớt, sò nướng mỡ hành... Mùi khói thơm trộn lẫn với tiếng xè xè của những hải sản nướng làm thức dậy tất cả vị giác. Trong khung cảnh ấm cúng và thanh bình đó bạn sẽ thích thú hơn khi được nghe tiếng đàn ghi-ta thùng thánh thót, nghe những giọng ca lãng tử.
 Du lịch Nha Trang - Khu du lịch Con Sẻ Tre
Ðêm về, nhìn vào bờ, cả thành phố Nha Trang rực sáng bởi muôn ngàn ánh điện lung linh, huyền ảo như chốn thần tiên. Sau một ngày vui chơi thỏa thích trên đảo, du khách có thể ngủ ngon lành trong những nhà nghỉ khép kín đầy đủ tiện nghi hay trong những chiếc lều trại dã chiến.
Từ một hòn đảo đá, Con Sẻ Tre được đầu tư xây dựng để trở thành một điểm đến lý tưởng cho du khách bốn phương.

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Du Lich Nha Trang

PHAN THIẾT
Tỉnh/Thành: Bình Thuận 
Mô tả:
Vùng đất này có tên gọi lâu đời của người Chăm là Ha-mu Li-thit (nghĩa là “xóm Lithit”). Sau khi vương quốc Chămpa sáp nhập vào Đại Việt, chưa ai có ý định đặt ngay cho vùng đất này một tên gọi mới bằng tiếng Việt. Lâu dần, âm cuối “Li-thit” được gắn liền với âm "Phan" mà thành Phan Thiết. Vùng hành chính này xác lập cùng thời gian hình thành tỉnh Bình Thuận ngày nay, nhưng khi ấy nó chưa được xác định địa giới và cấp hành chính gì. Năm 1697, Bình Thuận lần lượt được đổi từ một trấn lên thành phủ, rồi lên thành dinh, thì Phan Thiết chính thức được công nhận là một đạo (cùng một lượt với các đạo Phan Rang, Phố Hài, Ma Ly vùng Tam Tân). Tuy nhiên, đạo Phan Thiết lập ra nhưng chẳng có văn bản nào chỉ rõ phạm vi lãnh thổ. Từ năm 1773 đến năm 1801, nơi đây thường diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa các lực lượng quân nhà Nguyễn và quân nhà Tây Sơn. Năm 1825, thời Minh Mạng, khi Bình Thuận chính thức trở thành tỉnh, đạo Phan Thiết bị cắt một phần đất nhập vào một huyện thuộc Hàm Thuận (năm 1854, thời Tự Đức, huyện này được đặt tên là huyện Tuy Lý). 1835, tuần vũ Dương Văn Phong thỉnh cầu vua Minh Mạng chuyển tỉnh lỵ của Bình Thuận ở gần Phan Rí (huyện Hoà Đa) lập từ thời Gia Long về đóng ở vùng Phú Tài - Đại Nẫm, huyện Hàm Thuận nhưng vua chưa đồng ý. Năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17), Thị Lang Bộ Hộ là Đào Tri Phủ được cử làm việc đo đạc, lập địa bạ trong số trên 307 xã, thôn thuộc hai phủ, bốn huyện và mười lăm tổng của tỉnh Bình Thuận để chuẩn định và tiến hành đánh thuế. Đo đạc xong ước định vùng Phan Thiết (thuộc tổng Đức Thắng) có chín địa danh trực thuộc. Bên hữu ngạn sông (sông Cà Ty ngày nay) là các xã Đức Thắng, Nhuận Đức, Lạc Đạo và các thôn Thành Đức, Tú Long. Bên tả ngạn là xã Trinh Tường và các thôn Long Khê, Long Bình, Minh Long. Qua nhiều lần thay đổi các đơn vị hành chính, một số thôn nhỏ sáp nhập thành làng lớn, một số địa danh cũ biến mất như Minh Long, Long Bình (thuộc phường Bình Hưng ngày nay), Long Khê (thuộc phường Phú Trinh ngày nay). Một số thôn, xã khác của tổng Đức Thắng như Phú Tài, Phú Hội, Xuân Phong, Đại Nẫm được xem là ngoại vi của Phan Thiết. Một số địa danh thuộc khu vực Phố Hài (phường Phú Hài ngày nay) như Tân Phú, An Hải, An Hoà, Tú Lâm, Sơn Thủy, Thiện Chính, Ngọc Lâm... thuộc về tổng Hoa An (sau đổi lại là tổng Lại An) của huyện Tuy Định. Một số thôn, xã dọc bờ biển như Khánh Thiện, Thạch Long, Long Sơn (thuộc khu vực Rạng - Mũi Né ngày nay) thuộc tổng Vĩnh An của huyện Hòa Đa. Gần cuối thế kỷ 19, Phan Thiết vẫn chưa được công nhận chính thức là một đơn vị hành chính (cấp dưới) trực thuộc tỉnh Bình Thuận. Năm 1898 (năm Thành Thái thứ muời), tỉnh lỵ Bình Thuận được dời về đặt tại làng Phú Tài ở ngoại vi Phan Thiết. Ngày 20 tháng 10 cùng năm, vua Thành Thái ra đạo dụ xác lập thị xã (centre urban) Phan Thiết, tỉnh lỵ của Bình Thuận (cùng ngày thành lập các thị xã[Huế]], Hội An, Quy Nhơn, Thanh Hoá, Vinh). Năm 1905, thị xã Phan Thiết cũng vẫn chưa xác định rõ ranh giới. Tòa sứ Bình Thuận (bộ máy thống trị của Pháp) do một công sứ (résident) đứng đầu đặt thường trực tại Phan Thiết. Ngày 4 tháng 11 năm 1910, viên toàn quyền Đông Dương A.Klobukowski ra quyết định về Phan Thiết. Lúc này Phan Thiết chính thức bao gồm 16 làng xã. Bên hữu ngạn sông: Đức Thắng, Thành Đức, Nhuận Đức, Nam Nghĩa, Lạc Đạo, Tú Long; bên tả ngạn sông: Long Khê, Phú Trinh, Trinh Tường, Đảng Bình, Quảng Bình, Thiện Mỹ, Thiện Chánh, Xuân Hoà, An Hải, Sơn Thuỷ (năm làng sau trước đây là thuộc khu vực Phố Hài). Có thêm địa danh mới như Nam Nghĩa, Quảng Bình (dân Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Quảng Bình di cư vào Phan Thiết). Ngày 6 tháng 1 năm 1918, Khâm Sứ Trung Kỳ Charles quyết định Phú Hài (tên gọi mới của Phố Hài) tách ra khỏi Phan Thiết để nhập về lại tổng Lại An của huyện Hàm Thuận. Pháp bắt đầu thiết lập bộ máy chính quyền ở Phan Thiết. Thị xã Phan Thiết liên tục làm tỉnh lỵ của tỉnh Bình Thuận từ đó.